Cua là một thực phẩm giàu protein, vitamin và khoáng chất cho trẻ nhỏ. Chính vì vậy nhiều mẹ thường lựa chọn nấu món cháo cua cho bé trong giai đoạn ăn dặm. Hãy cùng YoBite khám phá 3 công thức nấu cháo cua đơn giản mà giàu dinh dưỡng qua bài viết bên dưới nhé!
1. Cách chọn mua và sơ chế để nấu cháo cua cho bé
Cách chọn cua tươi
Để có được những con cua biển có phần thịt chắc, thơm, mẹ phải chọn những con còn sống và có lớp vỏ màu xám đục. Để kiểm tra kỹ hơn, mẹ hãy ấn tay vào phần yếm để kiểm tra độ chắc của thịt cua. Nếu phần yếm còn cứng, to thì cua sẽ có nhiều thịt hơn.
Cháo cua ngon chủ yếu nhờ cua tươi
Các con có mai màu xanh thì mẹ không nên chọn vì thịt cua thường bở, xốp và ít. Mẹ hãy quan sát thêm các phần thân, chân, càng vì những con còn nguyên vẹn sẽ mang đến nhiều giá trị dinh dưỡng hơn cho bé yêu.
Sơ chế món cua sao cho sạch
Mẹ hãy cẩn thận với những con cua còn sống, vì chúng dễ gây tổn thương cho bàn tay của mẹ. Đầu tiên, lật yếm dưới bụng con cua, dùng dao nhắm vào phần hõm và chọc đến khi cua có dấu hiệu duỗi chân và càng.
Mẹ hãy chế biến cua thật sạch sẽ
Sau khi chọc thẳng, mẹ tháo sợi dây quấn quanh càng cua. Dùng bàn chải và rửa sạch các lớp bùn, đất còn sót lại trên thân cua. Tiếp theo, tách yếm và loại bỏ phần yếm vì chúng không thể ăn được. Để phần cua không có mùi hôi, tanh, mẹ hãy thêm sả, gừng, ớt khi luộc món cua. Mẹ cũng có thể thêm một chút gia vị để giảm mùi tanh và độ mặn vốn có của cua.
2. Gợi ý mẹ 3 cách nấu cháo cua cho bé ăn dặm giàu dinh dưỡng
Cháo cua cho bé với đậu xanh
Để chế biến món cháo cua cho bé với đậu xanh cần những nguyên liệu sau:
- 100g thịt cua biển
- 50g gạo tẻ
- 50g đậu xanh
- 1/2 trái bắp
- Gia vị cho bé như nước mắm, dầu ăn dặm
Cách chế biến
- Bước 1: Đem cua đi luộc với sả, muối, gừng để khử mùi tanh. Khi cua chín, tách thịt cua từ thân, càng, vỏ cua. Tránh sót thịt và gạch cua tại các bộ phận nhỏ trong thân cua.
- Bước 2: Rửa sạch đậu xanh và bắp. Sau đó, đem chúng đi luộc và vớt bỏ vào tô.
- Bước 3: Ngâm gạo từ 30 phút đến 1 tiếng. Rang gạo để gạo thơm, ngả vàng thì đổ nước vào, bật lửa nhỏ trong 20 phút để nấu thành cháo.
- Bước 4: Sau khi đã thành cháo, cho phần cua đã đem đi luộc cùng đậu xanh và bắp, nấu thêm 5 phút để các nguyên liệu được hoà quyện cùng cháo.
- Bước 5: Nêm nếm thêm các gia vị như nước mắm, dầu ăn dặm để món cháo thêm thơm.
Cháo cua cho bé với đậu xanh có hương vị hài hoà
Cháo cua cho bé với rau mồng tơi
Để nấu món cháo cua cho bé với rau mồng tơi, mẹ cần chuẩn bị những nguyên liệu như sau:
- 100g thịt cua biển
- Một bó rau mồng tơi
- 50g gạo tẻ
- Gia vị cho bé như nước mắm, dầu ăn dặm
Cách chế biến
- Bước 1: Sơ chế và luộc cua với sả, muối, gừng để loại bỏ mùi tanh. Vớt cua ra và tách lấy phần thịt trắng để đem đi nấu cháo.
- Bước 2: Rau mồng tơi sau khi rửa với nước muối, nhặt bỏ những phần lá bị sâu, thái nhỏ vừa ăn.
- Bước 3: Trước khi rang gạo thành cháo, hãy ngâm trong nước khoảng 30 phút đến 1 tiếng để món cháo thơm ngon hơn.
- Bước 4: Sau khi chín thành cháo, thêm phần thịt cua đã chế biến cùng rau mồng tơi đã thái nhỏ, nấu trong nồi thêm 5 phút nữa là đã xong món cháo cho bé.
Cháo cua cho bé với rau mồng tơi chứa nhiều chất xơ cho bé ăn dặm
Cháo cua cho bé với cà rốt
Trước khi bắt tay vào làm món cháo cua cho bé với cà rốt, mẹ cần chuẩn bị những nguyên liệu sau:
- 100g thịt cua biển
- 50g gạo tẻ
- 01 củ cà rốt
- 1/2 trái ngô
- Gia vị cho bé như nước mắm, dầu ăn dặm
Cách chế biến
- Bước 1: Sơ chế và luộc cua với sả, gừng để không còn mùi tanh. Sau đó, bóc tách những phần thịt trắng có trong cua.
- Bước 2: Rửa sạch cà rốt, sau đó đem đi luộc và nghiền nhuyễn nếu bé mới tập ăn dặm.
- Bước 3: Rang gạo trên nồi đến khi ngả vàng thì đổ nước vào và nấu trong 20 phút.
- Bước 4: Sau khi thành món cháo, thêm thịt cua và cà rốt đã được nghiền nhuyễn.
- Bước 5: Nêm nếm gia vị và đừng quên thêm một muỗng dầu ăn dặm để bổ sung dinh dưỡng cho bé.
Cháo cua cho bé với cà rốt giúp tăng cường thị lực
3. Giá trị dinh dưỡng của cua đối với bé
Protein
Cua được xem là một trong những thực phẩm giàu protein nhất, với khả năng giúp bé phát triển về mặt thể chất lẫn tinh thần. Khi đáp ứng đủ lượng protein cần thiết, cơ bắp, xương và tế bào trong cơ thể bé sẽ phát triển tốt hơn, giúp bé lớn cao lớn và khoẻ mạnh.
Trong thịt cua chứa nhiều protein
Chất béo omega-3
Chất béo là một phần quan trọng của chế độ ăn của trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển não bộ. Cua chứa các loại chất béo omega-3 và DHA, giúp tăng cường trí tuệ và khả năng học tập của trẻ.
Vitamin và khoáng chất
Mặc dù trẻ con có ít nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch hơn người lớn, tuy nhiên việc thêm cua vào thực đơn cũng giúp các bé tránh khỏi các bệnh về tim trong tương lai. Cua chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp làm giảm nguy cơ viêm nhiễm và cải thiện tuần hoàn máu ở trẻ nhỏ.
Trong cua có nhiều vitamin và khoáng chất
4. Những lưu ý khi cho bé ăn cháo cua
Trẻ từ 7 tháng tuổi mới có thể ăn các món ăn có sự góp mặt của cua. Từng giai đoạn của trẻ sẽ có thể ăn được hàm lượng cua khác nhau, mẹ hãy lưu ý nhé:
- Giai đoạn 7-12 tháng tuổi: Bé có thể ăn 20-30g thịt cua/bữa
- Giai đoạn từ 1–trẻ 3 tuổi: Bé có thể ăn ngon với 30–40g thịt cua/bữa
- Giai đoạn từ 4 tuổi trở lên: Mẹ nên thêm 50–60g thịt cua/bữa
Trước khi cho bé ăn cua lần đầu, hãy kiểm tra xem bé có dị ứng với các loại thực phẩm biển không. Mẹ có thể thử cho bé ăn một ít cua trước và theo dõi các phản ứng của bé yêu. Đồng thời, hãy làm sạch cua cẩn thận, loại bỏ vỏ cua và yếm cua để bé có thể thưởng thức món cháo cua cho bé một cách trọn vẹn nhất nhé!