Nguyên nhân vàng da ở trẻ sơ sinh và cách khắc phục

Vàng da ở trẻ sơ sinh có thể do sinh lý hoặc bệnh lý gây ra, do đó ba mẹ nên tìm hiểu biểu hiện ở trẻ để kịp thời thăm khám và điều trị. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nặng có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho bé.

1. Vàng da ở trẻ sơ sinh là gì

Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng da, kết mạc mắt trẻ có màu vàng, thường là do tăng bilirubin gián tiếp – một thành phần được giải phóng ra khi hồng cầu bị vỡ. Vàng da ở trẻ sơ sinh có thể do một trong các nguyên nhân sau: 

  • Bilirubin dư thừa: Bilirubin là sắc tố có màu vàng cam, màu vàng được sinh ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ và giải phóng. Trong khi đó, gan của trẻ sơ sinh lại chưa đủ trưởng thành để đào thải hết Bilirubin ra khỏi máu và vì vậy mà gây nên vàng da ở trẻ sơ sinh.

nguyen-nhan-vang-da-o-tre-so-sinh-va-cach-khac-phuc

Dư thừa bilirubin gây vàng da ở trẻ sơ sinh

  • Giảm chức năng chuyển hóa bilirubin: Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do trẻ bị một trong các bệnh lý: hội chứng Crigler-Naajar, hội chứng Gilbert, bệnh lý chuyển hóa di truyền, trẻ sinh non, thiếu hụt hooc-môn, mẹ bị chứng đái tháo đường thai kỳ.               
  • Tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột: trẻ sinh ra bị hẹp môn vị, tắc ruột non, phình đại tràng bẩm sinh,… đều có nguy cơ tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột, dẫn tới vàng da.
  • Vàng da sữa mẹ: Một số trẻ trong vài ngày đầu bú không đủ do trẻ gặp khó khăn khi bú mẹ hoặc mẹ chưa tiết đủ sữa. Tình trạng này khiến trẻ mất nước, thiếu năng lượng và tăng tái hấp thu bilirubin từ ruột gây vàng da ở trẻ sơ sinh.

2. Vàng da bệnh lý và vàng da sinh lý của trẻ sơ sinh

Vàng da sinh lý không cần can thiệp y tế. Chỉ cần cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ, cơ thể sẽ đào thải bilirubin ra ngoài và tình trạng vàng da sẽ biến mất trong vòng 1 đến 2 tuần. Biểu hiện vàng da ở trẻ sơ sinh sinh lý thường thấy: 

  • Vàng da ở vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn;
  • Xuất hiện khoảng 48 -72 giờ sau sinh;
  • Tự khỏi trong vòng 1 tuần với trẻ sinh đủ tháng và 2 tuần với trẻ sinh non;
  • Không kết hợp các triệu chứng bất thường khác;
  • Nước tiểu có màu tối hoặc vàng và phân nhạt màu;
  • Trẻ vẫn phát triển tốt và lên cân đều.

nguyen-nhan-vang-da-o-tre-so-sinh-va-cach-khac-phuc-1

Vàng da sinh lý của trẻ sơ sinh

Dấu hiệu cảnh báo vàng da bệnh lý của trẻ sơ sinh: 

  • Mức độ vàng da rất đậm, vàng toàn thân và cả mắt;
  • Xuất hiện sớm từ ngày đầu tiên sau sinh;
  • Không khỏi sau 1 tuần ở trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng;
  • Có các triệu chứng khác kèm theo như: Bỏ bú hoặc bú kém, sốt, khóc nhiều, lừ đừ, ngưng thở, thở nhanh, thay đổi thân nhiệt, …
  • Xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng cao hơn bình thường.

nguyen-nhan-vang-da-o-tre-so-sinh-va-cach-khac-phuc-2

Vàng da bệnh lý của trẻ sơ sinh

3. Biến chứng nguy hiểm từ vàng da bệnh lý của trẻ sơ sinh

Vàng da bệnh lý của trẻ sơ sinh là tình trạng không thể coi thường vì có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như:

  • Bilirubin não cấp tính: khi phát hiện trẻ bị vàng da kết hợp với các dấu hiệu sau đây: Ngủ li bì; Không tập trung; Khóc thét; Bỏ bú; Sốt cao; Xoắn vặn; Co giật
  • Bệnh não do Bilirubin: Trẻ sơ sinh sẽ bị vàng da nhân khi chất Bilirubin vượt qua giới hạn cho phép, khiến gan không đào thải kịp và có nguy cơ thấm vào não. Hậu quả là làm tổn thương não đến mức không hồi phục được. 

Vàng da bệnh lý của trẻ sơ sinh không được phát hiện và điều trị kịp thời có khả năng gây nhiễm độc thần kinh và để lại di chứng bại não suốt đời, thậm chí là tử vong. Do đó, nếu đã được chẩn đoán xác định vàng da bệnh lý của trẻ sơ sinh thì phải điều trị càng sớm càng tốt. 

4. Kết luận

Đối với trường hợp vàng da sinh lí ở trẻ sơ sinh nên theo dõi. Cho trẻ bú mẹ và tắm nắng mỗi sáng đúng cách. Tuy nhiên nếu thấy vàng da ở trẻ sơ sinh nhiều và kéo dài thì phải sớm đưa đến bác sĩ chuyên khoa Nhi thăm khám và điều trị ngay.

Phụ huynh cần phải nắm thật rõ những dấu hiệu cảnh báo vàng da bệnh lý của trẻ sơ sinh để theo dõi bé chặt chẽ. Đặc biệt là tránh trường hợp vàng da bệnh lý bị tưởng nhầm là vàng da sinh lí ở trẻ sơ sinh, từ đó chủ quan không điều trị kịp thời và dẫn đến hậu quả đáng tiếc.